Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Nghề trồng dâu nuôi tằm


“Nuôi lợn ăn cơm nằm
Nuôi tằm ăn cơm đứng”

Đây là một câu tục ngữ của ông bà ta ngày xưa. Câu tục ngữ này ý nói lên sự vất vả, cực khổ của những người nông dân làm nghề chăn tằm, dệt lụa. Chắc hẳn, chỉ đọc sơ qua bạn sẽ chẳng thể nào hiểu hết được nỗi cực khổ ấy, chỉ khi bạn tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình từ con ngải trở thành sợi tơ óng ánh,mịn màng bạn mới thực sự cảm nhận đủ sâu thế nào là “ăn cơm đứng”.

Quy trình nuôi tằm đòi hỏi nhiều công sức của con người. Thức ăn của tằm là lá dâu, trong giai đoạn tằm một tuổi, chúng còn non và yếu, người nông dân phải chọn cho chúng những chiếc lá dâu non, sau đó rửa sạch để ráo nước hoàn toàn rồi mới đem thái thật nhỏ rải đều đều, nhẹ nhàng lên nong tằm, để không làm tằm bị thương hay đè chết nó.
(Hình ảnh: Tằm ăn lá dâu)


Tằm càng lớn, sức ăn của nó cũng tỷ lệ thuận theo, ăn cả ngày lẫn đêm. Vì vậy mà người nông dân luôn phải hái sẵn lá dâu hoặc đi  mua nếu không đủ, về làm sạch sẽ khô ráo rồi thái ra.“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, sự so sánh này cho thấy khó khăn, vất vả của người nuôi tằm. Nuôi tằm vất vả lắm, cứ sau 3 tiếng phải cho tằm ăn một lần. Nhiều khi đang ngủ trưa hay đêm đến cũng phải dậy cho tằm ăn đủ bữa. Có như thế tằm mới chín sớm và cho năng suất cao.
Tằm cũng giống như nhiều loại sâu khác mẫn cảm với các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, với ánh sáng mặt trời, gió. Vì thế, khi nuôi tằm mỗi nhà dân cần có  buồng riêng bảo đảm yêu cầu ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Hết phải trông cho tằm ăn lại đến vệ sinh chỗ ở cho tằm tránh cho nó khỏi nấm bệnh. tằm cứ vậy mà lớn lên trong sự bảo bọc của người nuôi...

(Hình ảnh: Tằm chín)

Khi tằm chín, người ta làm né cho tằm bán vào làm kén. Né được để ở nơi có nắng, thoáng gió vì sợi tơ tằm nhả ra cần khô nhanh thì kén mới đẹp, cứng cáp. Tùy theo thời tiết, có thể 10 -15- 20 ngày nhộng hóa thành ngài tiết dịch làm mềm kén, cắn kén chui ra tiếp tục lặp lại vòng đời. Cho nên, người chăn tằm cần căn đúng thời gian và hoàn tất việc ươm tơ trước thời gian ngải cắn kén chui ra, làm đứt đoạn sợi tơ.  Ngoài ra, sau mỗi lứa tằm các vật dụng như nong, nia, áo mưa đều phải khử trùng để bảo đảm an toàn cho nuôi lứa tằm tiếp theo.

(Hình ảnh: Tằm nhả tơ tạo kén)


Nghề trồng dâu nuôi tằm vốn đã vất vả nay lại càng vất vả hơn do sâu bệnh ngày một gia tăng. So với trước đây chỉ có 2% sâu trên tổng số lá nên người dân có thể bắt chúng bằng phương pháp thủ công. Nhưng mấy năm lại đây, sâu bệnh đã phát sinh gây hại gần hết số lá. Lượng sâu quá nhiều dân không thể dùng phương pháp thủ công mà phải dùng thuốc hóa học. Nhiều hộ gia đình do không sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng, không đọc kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng trên bao bì đã gây ra nhiều tổn thất cho lứa tằm của gia đình.
Nuôi tằm khó khăn là thế nhưng không vì vậy mà khiến người nông dân Việt Nam ta từ bỏ, họ vẫn tiếp tục gìn giữ  và phát triển thứ nghề truyền thống ấy bao đời nay từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tạo ra những thước lụa óng ả mang đẳng cấp thế giới, tinh hoa dân tộc Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét